ĐẮK NÔNG BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2025
Ngày đăng: 07/01/2025
Đắk Nông ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2025
Thiên tai là những hiện tượng thiên nhiên cực đoan, là sự cố bất khả kháng và có những lúc nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Điều đáng nói là các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến trái quy luật, trước đây diễn ra theo mùa, còn giờ đây xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt và khó lường. Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Hạn hán, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc, bão, mưa đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Với yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai của xã hội ngày càng cao, trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, những thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai rất lớn, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái với quy luật trước đây. Vì vậy, nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong đó lấy phòng là chính” luôn là định hướng để các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai. Để chủ động và đảm bảo sự thống nhất trong công tác tổ chức phòng, chống, chỉ huy ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 783/KH-UBND ngày 04/12/2024 về Kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu chính là xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong năm 2025 nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; Kế hoạch Phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra và xuyên suốt, thống nhất quan điểm chỉ đạo: Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội với phương châm nhà nước và người dân cùng làm, gồm ba giai đoạn là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Kế hoạch Phòng chống thiên tai năm 2025 là kim chỉ nam, định hướng các hoạt động Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các Sở, Ban ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các chính sách về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó phòng, chống thiên tai có hiệu quả của các cấp, các ngành; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân. Đặc biệt là hạn hán, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, mưa lớn, giông sét, sạt lở bờ sông…; Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh; Nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra; Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; kết hợp giữa phòng, chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu rủi ro thiên tai; Khai thác vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh, vừa đảm bảo phòng lũ, an toàn hạ du, vừa phục vụ sản xuất, sinh hoạt; Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư; Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng khác, gắn với xây dựng nông thôn mới; Xây dựng lực lượng chuyên trách Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo hướng chuyên sâu, hiện đại và nâng cao năng lực cho lực lượng tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Làm cơ sở để tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Kiểm tra công trình bị hư hỏng do thiên tai trên địa bàn tỉnh
Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội Sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau. Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch phòng, chống thiên tai phải phối hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên ngành, liên vùng; ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với công nghệ truyền thống./.
Bài và ảnh: Lương Hằng
Bài viết liên quan
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
- Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- Tin tức sự kiện mới
- ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2022
- HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2023
- TẬP HUẤN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CHO CẤP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NĂM 2023
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2022 VÀ TRIỀN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 1
- Phát động tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
- Sạt lở đèo Bảo Lộc, 3 cảnh sát giao thông mất tích