HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2024

Ngày đăng: 14/05/2024

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2024

Ngày 10/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố Gia Nghĩa.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Hội nghị nhằm đánh giá về công tác PCTT và TKCN năm 2023 gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhận định, đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT và TKCN trong năm.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 12 đợt mưa lớn, giông lốc mạnh kèm theo sấm sét; Trong đó, từ ngày 28/7 đến ngày 18/8/2023, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài (Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm như Kiến Đức 406,4 mm; Quảng Thành 556,4 mm; Đắk Buk Sor 424,8 mm; Đắk Ngo 380,4 mm; Quảng Tâm 409,2 mm,...) dẫn đến mực nước trên các sông, suối, hồ đập dâng cao, gây ngập úng cục bộ tại nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt lở đất tại một số khu vực, gây thiệt hại tới tính mạng, nhà cửa, tài sản, cây trồng và các công trình giao thông, hạ tầng trên địa bàn tỉnh, điển hình sạt lở khu vực vai phải đập công trình Hồ chứa nước Đắk N’ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong; tại Km 1900+350 đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thành phố Gia Nghĩa; tại khu vực Bon Bu Krắc và bon Bu Prăng 1A xã Quảng Trực và tại Km 25+100 ÷ Km25+950 đường Tỉnh lộ 1, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ tháng 8/2023 đã làm 02 người thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi. Qua rà soát, thống kê, tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1.050 tỷ đồng.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các Bộ, ngành cùng với việc chủ động trong việc nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, ngay khi thiên tai xảy ra UBND tỉnh Đắk Nông đã kịp thời chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các Sở, ban, ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn công trình, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tại Hội nghị ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định về tình hình thiên tai từ nay tới cuối năm 2024: hiện tượng ENSO - chỉ thay đổi nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương - đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80-85%. Từ tháng 7-9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60-65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm. Chúng tôi đánh giá việc chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như: Mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn. Năm 2024 dự báo có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay. Từ nay đến nửa đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới mà tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11/2024. Các lưu vực sông Trung Bộ, Tây Nguyên mùa lũ dự báo xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở báo động 1-2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở báo động 2-3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở trên báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Trước dự báo trên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chủ động phương án ứng phó với việc chuyển đổi trạng thái thời tiết từ El Nino sang La Nina. Cơ quan khí tượng cần nâng cao khả năng dự báo hơn nữa để các cấp chính quyền có chỉ đạo phòng chống phù hợp.

Kết luận tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh 9 nội dung cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là: Kiện toàn lại bộ máy PCTT-TKCN theo Luật phòng thủ dân sự đảm bảo hiệu quả, nhanh hơn, mạnh hơn; Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về công tác PCTT; Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ làm công tác PCTT bằng những hình thức hợp lý và hiệu quả hơn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát , bổ sung kịch bản, kế hoạch PCTT hợp lý nhất; cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các ngành có liên quan cần tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chuẩn xác nhất có thể; Nâng cao năng lực điều hành PCTT của từng địa phương; Cố gắng huy động nguồn lực đầu tư cho công tác PCTT, khắc phục hậu quả thiên tai; Phó Thủ tướng cũng mong các cơ quan quốc tế đồng hành, tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là công tác dự báo.

Tác giả: Nguyễn Thị Huyền - VPTT Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh 

Lượt xem: 186

BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH ĐẮK NÔNG