HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN ỨNG PHÓ SỰ CỐ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Ngày đăng: 03/08/2023
Trước tình hình diễn biến thiên tai hết sức phức tạp xảy ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, sáng nay (03/8) tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp Hội nghị trực tuyến ứng phó sự cố thiên tai.
Đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Lê Văn Chiến – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Trong mấy ngày vừa qua (từ ngày 28/7-02/8), thời tiết tỉnh Đắk Nông chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ, kết hợp gió Tây Nam có cường độ mạnh trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, đã gây hiện tượng ngập úng, sạt lở một số nơi.
Tính đến chiều ngày 02/8/2023, thiên tai đã làm thiệt hại 01 người dân tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song; ảnh hưởng 159 căn nhà, 09 phòng trọ; ngập úng khoảng 359,7 ha cây trồng các loại (cây công nghiệp, rau màu…); khoảng 150,5 ha ao nuôi thủy sản của người dân bị ngập, tràn bờ; các địa phương đã phải thực hiện di dời 79 hộ dân đến nơi an toàn. Ước tính thiệt hại về cây trồng vật nuôi hơn 50 tỷ đồng. Ngoài ra, thiên tai đã làm hư hỏng nặng nề một số công trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nhất là về giao thông thủy lợi. Điển hình là việc nứt gãy tại Km số 1900+350 quốc lộ 14, thuộc tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành; sạt lỡ ở một số địa phương như Tuy Đức, Đắk Song.
Các đơn vị hỗ trợ người dân khắc phục sạt lở (Ảnh: Báo Đắk Nông)
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các thành viên tham gia cho rằng, đợt mưa lũ lần này có diễn biến khác thường hơn so với những năm qua, gây hậu quả lớn bậc nhất từ trước đến nay. Nhất là đối với việc ngập lụt, sạt lở, nứt gãy đất gây thiệt hại lớn tại các địa phương.
Đối với vấn đề sạt lở đất, lãnh đạo nhiều Sở, đơn vị, địa phương đề xuất tỉnh tổ chức hội nghị khoa học tham khảo ý kiến chuyên gia đầu ngành tìm giải pháp lâu dài.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh sự chủ động cao trong công tác phòng, chống thiên tai của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân; Cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương nơi có nguy cơ sạt lở phải tổ chức trực chiến 24/24 giờ để quan sát, theo dõi diễn biến thiên tai.
Các huyện, thành phố tập trung ổn định đời sống nhân dân khi di dời, đảm bảo bà con nhân dân có cuộc sống đầy đủ, không thiếu thốn.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, toàn tỉnh phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, phối hợp tốt nhất khi có các tình huống thiên tai xảy ra.
Ban Chỉ đạo các cấp thành lập một nhóm kín thông qua mạng xã hội để từ tỉnh đến xã đều biết, nắm tình hình, chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Đặc biệt là công tác tuyên truyền để mọi người dân đều biết.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đi kiểm tra, khảo sát các công trình trọng điểm, nhà ở của người dân để tìm hướng giải quyết vấn đề cả trước mắt và lâu dài.
Tác giả: Nguyễn Thị Huyền
Bài viết liên quan
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
- Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- Tin tức sự kiện mới
- ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2022
- HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2023
- TẬP HUẤN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CHO CẤP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN NĂM 2023
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2022 VÀ TRIỀN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 1
- Phát động tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
- Sạt lở đèo Bảo Lộc, 3 cảnh sát giao thông mất tích